Đèn flash có hại cho mắt trẻ con không là lo lắng của rất nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa mắt bác bỏ khả năng gây bệnh của loại đèn này.
Đèn flash có hại cho mắt trẻ con không?Câu chuyện về tai nạn của bé trai 3 tháng tuổi lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội ở Trung Quốc khiến nhiều phụ huynh hoang mang lo lắng.
Theo đó, bố mẹ cậu bé nhận thấy khả năng nhìn của con bị ảnh hưởng sau khi được chụp ảnh. Người chụp ảnh đã quên không tắt flash khi chụp hình cho cậu bé ở khoảng cách gần 25 cm. Bác sĩ địa phương cho biết em bé phải chịu những tổn thương mắt không thể khắc phục do đèn flash của máy ảnh.
Bác sĩ Hoàng Cương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương cho rằng, trên thực tế kết luận đèn flash máy ảnh làm ảnh hưởng mắt trẻ con là không thỏa đáng, khó thuyết phục giới chuyên môn cũng như hệ thống pháp lý. Ông cho rằng, mắt trẻ con 3 tháng tuổi có thể nhìn kém do rất nhiều nguyên nhân, không chỉ vì đèn flash máy ảnh.
Theo bác sĩ Cương, có vô số bệnh bẩm sinh, viêm nhiễm, chấn thương mắt và não gây mù cho trẻ con mà cha mẹ không thể phát hiện được bằng cảm tính. Bác sĩ nếu không được đào tạo bài bản, thiếu phương tiện chẩn đoán cũng rất dễ bỏ qua việc chẩn đoán sớm.
Bức ảnh chụp cháu bé Trung Quốc cho thấy mắt bé nhắm với rất nhiều mủ vàng bám ở mi mắt giống như một viêm nhiễm cấp tính của bề mặt nhãn cầu.
Bác sĩ cho biết, flash là phương thức kích thích bằng ánh sáng dùng trong chụp ảnh, ứng dụng trong một số kỹ thuật thăm dò chức năng mắt và thăm khám mắt hàng ngày. Flash giúp định thị tốt, lấy ảnh nét khi chụp hình.
Với ngành nhãn khoa - thần kinh, flash tạo xung kích thích lên võng mạc giúp cho việc thăm dò chức năng của võng mạc và đường dẫn truyền thị giác.
“Trong khám mắt, bác sĩ dùng kỹ thuật flash để thử phản xạ đồng tử, tìm hiệu ứng Tyndall tiền phòng… Đèn flash khác rất nhiều với bom ánh sáng gây choáng của các võ sĩ ninja hay lực lượng đặc nhiệm.
Loại vũ khí bom ánh sáng gây choáng thị giác, xây xẩm trong tích tắc giúp bắt giữ, lẩn trốn hoặc tiêu diệt thủ phạm dễ dàng hơn nhưng không gây mù vĩnh viễn cho ai”, bác sĩ Cương nhấn mạnh.
Trong các loại ánh sáng gây hại cho mắt thì tia xạ do những vụ nổ hạt nhân hay nguyên tử là kinh khủng nhất. Tia tử ngoại hay còn gọi là tia UV có trong phổ ánh sáng mặt trời, bỏng tia hàn - một dạng bỏng tia U, tuy không làm chói mắt nhưng gây hại khôn lường cho mắt. Tia X, tia hồng ngoại, tia laser có thể gây hại cho mắt tùy theo hoàn cảnh, thời gian và liều lượng phơi nhiễm.
Bác sĩ Cương khuyến cáo: "Đèn laser có thể gây bỏng võng mạc, không nên cho trẻ em dùng đèn bút laser chơi đùa tự chiếu vào mắt mình hoặc vào mắt nhau".
Riêng với đèn flash máy ảnh, ông cho rằng không nên dùng đèn flash ở cự ly dưới 1 m khi chụp cho trẻ nhỏ, chủ yếu để tránh gây sợ hãi và choáng thị giác cho bé hơn là gây hại cho võng mạc.
Thay vì lo lắng vấn đề chụp ảnh bé có flash, bác sĩ khuyên cha mẹ hãy lưu ý để phát hiện sớm những bệnh gây mù chu sinh, bẩm sinh cho bé trong năm đầu chào đời. Phát hiện dị tật hay bệnh lý cơ quan thị giác ở trẻ dưới một tuổi là điều không dễ dàng, ngay cả với các bác sĩ chuyên khoa. Do đó bệnh thường được phát hiện muộn.
Cha mẹ cần chú ý cho con uống vitamin A và tiêm chủng đầy đủ, phát hiện sớm các dị tật và bệnh lý mắt, tránh tai nạn và thương tích cho trẻ.
Biện pháp hữu hiệu để bảo vệ đôi mắt của trẻ
1. Giảm mọi căng thẳng của mắt
Không thức quá khuya để đọc sách - nhất là học sinh cấp I và những em có thị lực kém. Hạn chế thời gian xem tivi, chơi game, sử dụng máy tính… và phải ngủ đủ giấc. Không đọc sách truyện có chữ hoặc hình ảnh lem nhem, chữ quá nhỏ.
2. Cải tiến các phương tiện phục vụ học tập
Kích cỡ bàn ghế phải phù hợp với từng lứa tuổi, đảm bảo đủ ánh sáng, sách vở học tập phải được in rõ ràng và sáng sủa, dễ đọc.
3. Chế độ nghỉ ngơi mắt hợp lý
Khi học ở nhà, nên cho trẻ nghỉ giải lao 5-10 phút sau mỗi giờ học. Không xem tivi quá 45-60 phút, không nên ngồi quá gần hay quá xa màn hình. Hạn chế chơi game trên máy tính hoặc trên tivi, việc này không chỉ tốt cho mắt mà còn giúp trẻ dành nhiều thời gian cho việc học. Có thể luyện cho trẻ nhìn vào một điểm ở xa để giúp mắt thư giãn.
4. Ngồi học phải giữ đúng tư thế
Nên cho trẻ ngồi thẳng lưng, 2 chân khép lại với 2 bàn chân để sát nền nhà, đầu hơi cúi khoảng 10 - 15 độ. Không được cúi gằm mặt, nghiêng đầu, áp má lên bàn học. Luôn để mắt xa sách vở với một khoảng cách thích hợp: khoảng cách đo từ chỗ đầu ngón cái (hoặc ngón trỏ cong lại) đến cùi chỏ ở HS cấp THPT là 35 cm, tương ứng 30cm, 25cm ở HS cấp THCS và cấp tiểu học.
5. Khám mắt định kỳ
Nên cho trẻ khám mắt định kỳ 6 tháng một lần tại các cơ sở chuyên khoa hoặc khi thấy trẻ có những dấu hiệu sau: nhìn xa không rõ, thấy chữ viết hoặc hình vẽ trên bảng mờ mờ, hay quay hoặc nghiêng đầu, nheo mắt, che một mắt để nhìn, cúi đầu sát xuống cuốn sách hay bàn học khi đọc hoặc viết, chớp hay dụi mắt một cách không bình thường.
6. Chú ý bổ sung các dưỡng chất hỗ trợ cho mắt
Nên cho trẻ ăn nhiều rau quả có màu vàng, lá xanh đậm để bổ sung các vitamin cần thiết cho mắt luôn hoạt động tốt. Ngoài ra, các thuốc bổ mắt cũng chứa các vitamin này và nhiều dưỡng chất khác, chẳng hạn chất chondroitin được chiết suất từ sụn vi cá mập thiên nhiên rất tốt cho mắt.
Thành phần sụn vi cá mập thiên nhiên không chỉ giúp duy trì độ trong suốt của thủy tinh thể và giác mạc mắt, mà còn tăng tính đàn hồi của thấu kính và thể mi giúp mắt luôn điều tiết tốt, hạn chế tình trạng mỏi mắt, hoa mắt, nhìn mờ của trẻ trong học tập và sinh hoạt.
7. Phát hiện sớm
Phát hiện sớm tật khúc xạ và tuyên truyền phòng chống tật khúc xạ học đường là việc làm cần thiết để góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng học tập cũng như sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc giáo dục sức khỏe và bảo vệ đôi mắt cho các em tuổi học đường.